Cuộc cướp phá thành Roma và sự sụp đổ của đế quốc Tây La Mã Đế_quốc_Tây_La_Mã

Những cuộc xâm lược của người German và Hun vào đế quốc La Mã, 100–500 SCN

Vẫn còn là hoàng đế sau cái chết của Stilicho vào năm 408, Honorius tiếp tục trị vì cho đến khi ông ta qua đời vào năm 423. Triều đại của ông ta đã được lấp đầy với những kẻ tiếm vị và những cuộc xâm lược. Năm 410, Rome đã bị cướp phá bởi quân đội của Alaric. Sự kiện này đã gây chấn động đối với những người đương thời, vì đây là lần đầu tiên kể từ cuộc xâm lược của người Gaul ở thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, thành phố đã bị rơi vào tay của một kẻ thù ngoại quốc. Dưới thời những người kế tục Alaric, người Goth sau đó định cư ở Gaul (412-418), từ đó họ đóng vai trò là đồng minh của người La Mã chống lại người Vandal, Alan, và người Suevi ở Tây Ban Nha, và chống lại kẻ tiếm vị Jovinus (413).[9] Trong khi đó, một kẻ tiếm vị khác, Constantinus (406-411), đã rút hết quân đội La Mã ở Anh vốn dành để phòng thủ nó khi ông ta vượt qua eo biển để về Gaul vào năm 407, bỏ mặc những cư dân La Mã ở đây cho những kẻ xâm lược, đầu tiên là từ người Pict và sau đó là bởi người Sachsen và Angli, những người bắt đầu định cư vĩnh viễn từ khoảng năm 440 trở đi.[10]

Cái chết của Honorius vào năm 423 kéo theo sau đó là sự khủng hoảng cho đến khi chính quyền Đông La Mã với các lực lượng quân đội tôn Valentinian III lên làm hoàng đế phía tây ở Ravenna, với Galla Placidia đóng vai trò là nhiếp chính trong thời gian đầu cho người con trai còn nhỏ của bà.[11] Sau một cuộc xung đột bạo lực với nhiều đối thủ, và chống lại mong muốn của Placidia, Aetius đã vươn tới chức vụ Magister militum. Aetius lúc này đã có thể ổn định tình hình quân sự của nửa phía tây đế quốc một chút, và phải dựa rất nhiều vào các đồng minh Hun của ông ta. Với sự giúp đỡ của họ, ông đã đánh bại người Burgundy, những người đã chiếm đóng một phần miền Nam Gaul sau năm 407 và họ định cư ở vùng Savoy với vai trò là đồng minh của La Mã (năm 433).[12]

Trong khi đó, do áp lực từ người Visigoth và một cuộc nổi loạn của Bonifacius, tổng đốc của châu Phi,đã khiến cho người Vandal theo Gaiseric vua của họ vượt biển từ Tây Ban Nha đến châu Phi trong năm 429.[13] Họ tạm thời dừng lại ở Numidia năm 435 trước khi di chuyển về phía đông và chiếm Carthage,[14] từ đó họ thành lập một nhà nước độc lập với lực lượng hải quân hùng mạnh (năm 439). Hạm đội Vandal đã trở thành một mối nguy hiểm thường trực cho thương mại đường biển của La Mã và vùng bờ biển và hải đảo của miền tây và trung tâm Địa Trung Hải.[15]

Năm 444, người Hun, những người vốn được sử dụng như những đồng minh La Mã bởi Aetius, đã được thống nhất dưới quyền vị vua Attila đầy tham vọng của họ. Quay giáo chống lại đồng minh cũ của mình, người Hun đã trở thành một mối đe dọa lớn đối với đế quốc. Attila sau đó đã nhận được một lời cầu xin giúp đỡ và nhẫn từ Honoria, em gái của Hoàng đế. Đe dọa chiến tranh, ông yêu cầu nhận được một nửa lãnh thổ của đế quốc Tây La Mã như là của hồi môn cho mình.[16]

Bị từ chối, ông ta xâm lược Gaul và chỉ dừng lại trong trận đồng bằng Catalaunian bởi liên quân La Mã-Đức được chỉ huy bởi Aetius. Năm tiếp theo, Attila xâm lược Ý và tiến quân theo hướng đến Roma, nhưng một đợt bùng phát dịch bệnh trong quân đội của ông, lời cầu xin hòa bình của Đức Giáo hoàng Leo, và tin báo về một chiến dịch của Marcianus trực tiếp hướng đến căn cứ của ông ta ở Pannonia đã buộc ông ta dừng chiến dịch này. Attila bất ngờ qua đời một năm sau đó (năm 453).[17]

Đế quốc La Mã dưới sự cai trị của Majorian (phía tây) và Leo I (phía đông) vào năm 460 CN.

Aetius đã bị giết trong năm 454 bởi tay Valentinian, người mà sau đó chính bản thân ông ta cũng bị sát hại bởi những người ủng hộ vị tướng một năm sau. Với sự kết thúc của triều đại Theodosian, một giai đoạn mới của những cuộc tranh giành quyền lực lại xảy ra sau đó. Người Vandal đã lợi dụng tình trạng bất ổn và để vượt biển đến Roma, nơi mà họ tiến hành cướp phá vào năm 455.[18]

Trong suốt hai mươi năm sau, có vài vị hoàng đế phía tây đã được đặt lên ngôi bởi Constantinopolis, nhưng quyền lực của họ lại phải dựa vào những vị tướng man rợ như Ricimer (456-472), Gundobad (473-475). Năm 475, Orestes, một cựu thư ký của Attila, đánh đuổi Hoàng đế Julius Nepos ra khỏi Ravenna và tuyên bố rằng của con trai ông ta Romulus Augustus là vị hoàng đế mới.[19]

Nhưng sau đó, Orestes lại bội ước với Odoacer, không ban cấp đất đai cho những người rợ như đã hứa trước đó. Odoacer lền dẫn quân đánh bại và giết chết Orestes rồi lật đổ Romulus Augustus, tự mình lên làm vua cai trị khắp nước Ý.[19] Ông ta sau đó gửi biểu tượng Hoàng đế (Imperial insignia) cho Hoàng đế Đông La Mã Zeno.[20]

Ba tàn dư cuối cùng của đế quốc Tây La Mã tiếp tục tồn tại dưới một số hình thức này hay khác sau năm 476: Julius Nepos kiểm soát Dalmatia cho đến khi ông ta bị ám sát vào năm 480.[21] Syagrius cai trị lãnh địa Soissons cho đến khi ông ta bị giết vào năm 487. Cuối cùng, một vương quốc La Mã-Moor còn tồn tại ở Bắc Phi, đã chống lại những kẻ xâm lược người Vandal, và trở thành một phần của Đế quốc Đông La Mã vào năm 533 khi Belisarius đánh bại người Vandal.[22][23]

Vị hoàng đế cuối cùng

Theo quy ước, Đế quốc Tây La Mã được coi là đã kết thúc vào ngày 04 tháng 9 năm 476, khi Odoacer lật đổ Romulus Augustulus.

Tuy vậy, Julius Nepos vẫn còn tuyên bố mình là Hoàng đế của đế quốc Tây La Mã, và cai trị một quốc gia tàn dư ở Dalmatia. Ông được công nhận bởi Hoàng đế Đông La Mã ZenoSyagrius, người đã cố gắng để bảo vệ chủ quyền của La Mã ở một vùng đất biệt lập nằm ở miền bắc xứ Gaul, được biết đến ngày hôm nay là lãnh địa Soissons.

Odoacer tuyên bố mình là vua của Ý và bắt đầu đàm phán với Zeno. Zeno cuối cùng đã ban tước hiệu quý tộc cho Odoacer như là dấu hiệu công nhận quyền lực của ông ta và chấp nhận ông ta là phó vương của Ý. Zeno, tuy nhiên, khẳng định rằng Odoacer phải tỏ sự thần phục với Julius Nepos, người mới là Hoàng đế của đế quốc Tây La Mã. Odoacer chấp nhận điều kiện này và ban hành tiền xu với tên của Julius Nepos trên khắp Italia. Tuy nhiên, điều này chủ yếu là một thủ đoạn chính trị vô nghĩa, vì Odoacer không bao giờ trao lại bất kỳ quyền lực thực sự hoặc vùng lãnh thổ nào cho Julius Nepos. Sau vụ ám sát Julius Nepos trong năm 480, Odoacer đã xâm chiếm Dalmatia, sáp nhập nó vào Vương quốc Ý.

Ảnh hưởng của thời tiết

Viện Nghiên cứu rừng, tuyết và phong cảnh của Thụy Sĩ đã nghiên cứu lịch sử khí hậu châu Âu bằng cách phân tích vòng tròn bên trong gần 9.000 thân cây sồi và thông. Chúng là những thân cây mà các nhà khảo cổ đào được tại châu Âu. Những thân cây già nhất có niên đại lên tới 2.500 năm. Trong giai đoạn mà khí hậu thuận lợi, cây có thể lấy nhiều nước và dưỡng chất từ đất nên tăng trưởng nhanh. Vì thế mà chúng tạo ra những vòng tròn khá rộng va khoảng cách giữa các vòng cũng lớn hơn. Nhưng khi khí hậu trở nên khắc nghiệt, như hạn hán, những vòng tròn trong thân cây nhỏ hơn và khoảng cách giữa chúng cũng gần hơn. Dựa vào kích thước của những vòng tròn trong thân cây, nhóm nghiên cứu dựng lên biểu đồ về nhiệt độ và lượng mưa tại châu Âu trong 25 thế kỷ qua.[24]

Biểu đồ cho thấy, từ năm 250, cứ sau mỗi thập kỷ khí hậu lại chuyển từ trạng thái khô, lạnh sang trạng thái ấm áp và ẩm ướt. Sự thay đổi luân phiên giữa hai kiểu khí hậu này diễn ra liên tục tới tận năm 550. Sức mạnh của đế chế La Mã suy giảm mạnh trong khoảng thời gian này, để rồi tới năm 395 nó bị phân chia thành đế quốc Đông La Mã và đế quốc Tây La Mã. Tới năm 476, đế quốc Tây La Mã sụp đổ. Những thăng trầm chính trị, chiến tranh, nạn đói và làn sóng di cư ồ ạt của con người luôn xuất hiện trong giai đoạn mà thời tiết thay đổi liên tục.[24] Ulf Buntgen, một thành viên của nhóm nghiên cứu, nhận xét:

Khí hậu không trực tiếp gây nên chiến tranh hay khủng hoảng kinh tế, song nó vẫn là một trong những nhân tố khiến các xã hội cổ đại sụp đổ. Trong những xã hội đang ngập chìm trong nạn đói hay khủng hoảng chính trị, những mùa đông khắc nghiệt sẽ khiến người dân càng cảm thấy khốn quẫn hơn và họ sẵn sàng vùng lên để tìm đường sống[24]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đế_quốc_Tây_La_Mã http://www.newscientist.com/article/dn19968-fall-o... http://www.roman-empire.net //dx.doi.org/10.2307%2F1170959 //www.jstor.org/stable/1170959 http://www.roman-emperors.org/constaii.htm http://www.roman-emperors.org/impindex.htm http://en.wikisource.org/wiki/Nicene_and_Post-Nice... http://books.google.com.vn/books?id=DgnrxCb51xoC&d... http://books.google.com.vn/books?id=EdBEHD4XQ-0C&p... http://books.google.com.vn/books?id=qOEu4ALwR-IC&p...